Tên gọi CHXHCNVN

Nguồn gốc

Các nhà nước trong lịch sử Việt Nam có những quốc hiệu khác nhau như Xích Quỷ, Văn Lang, Đại Việt, Đại Nam hay Việt Nam, chữ Việt Nam được cho là việc đổi ngược lại của quốc hiệu Nam Việt từ trước Công nguyên. Chữ "Việt" 越 đặt ở đầu biểu thị đất Việt Thường, cương vực cũ của nước này, từng được dùng trong các quốc hiệu Đại Cồ Việt và Đại Việt (là các quốc hiệu từ thế kỷ 10 tới đầu thế kỷ 19). Chữ "Nam" 南 đặt ở cuối thể hiện đây là vùng đất phía nam, là vị trí cương vực, từng được dùng cho quốc hiệu Đại Nam, và trước đó là một cách gọi phân biệt Đại Việt là Nam Quốc (như "Nam Quốc Sơn Hà") với Bắc Quốc là Trung Hoa.

Nhà Thanh công nhận "Việt Nam" (chữ Hán: 越南) là quốc hiệu Nhà Nguyễn.[25] Đặt quốc hiệu là "Việt Nam" 越南 không nhầm với nước Nam Việt và thể hiện vị trí địa lý nằm ở phía nam Bách Việt. Trùng hợp là trước đó mấy trăm năm, trong Sấm Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã dùng tên "Việt Nam" làm tên chính thức, mặc dù khi đó vẫn còn sử dụng quốc hiệu "Đại Việt". Năm 1804, vua Thanh cho án sát sứ Quảng Tây Tề Bố Sâm sang tuyên phong Gia Long làm "Việt Nam quốc vương" 越南國王 mặc dù các vua Nhà Nguyễn vẫn theo lệ cũ tự phong "Hoàng đế" 皇帝 cho ngang hàng với vua Trung Quốc.[25][26]

Vua Gia Long nhà Nguyễn chính thức sử dụng quốc hiệu "Việt Nam" từ năm 1804.[27] Tên gọi này cũng xuất hiện trong tác phẩm Việt Nam vong quốc sử của Phan Bội Châu năm 1905 và trong tên gọi Việt Nam Quốc dân Đảng.[28] Tên gọi "An Nam" cũng có trong thời Pháp thuộc. Năm 1945, Đế quốc Việt Nam ra đời và tiếp tục đặt quốc hiệu "Việt Nam".[29] Sau đó tất cả những nhà nước ở Việt Nam sau năm 1945 đều sử dụng quốc hiệu này.

Trong văn viết tiếng nước ngoài

Trong văn viết tiếng Anh hiện nay, các phương tiện thông tin đại chúng (truyền hình, sách báo, internet) của quốc gia khác trên thế giới (đặc biệt là các quốc gia có tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức như Anh, Mỹ, Úc) đều viết thông dụng là Vietnam cho danh từ (viết liền mạch không dấu cách, là cách viết nối phổ biến cho một từ ghép của chính tả tiếng Anh), dẫn đến tính từ Vietnamese, thì tại Việt Nam vẫn còn tồn tại hai cách viết khác vẫn giữ dấu cách là Viet Nam (bỏ dấu) và Việt Nam (để nguyên), do ảnh hưởng từ cú pháp viết tiếng Việt dùng chữ Quốc ngữ. Điều này có thể nhận thấy trên website của Chính phủ Việt NamBộ Ngoại giao Việt Nam cho phiên bản tiếng Anh dùng cả 3 cách: Vietnam, Viet Nam hoặc Việt Nam.[30][31] Và gần đây nhất là trong Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2021 tổ chức tại nước này, biểu trưng chính thức sử dụng cách viết tiếng Anh là Viet Nam trong khi bảng tên hiệu tiếng Anh của nước này trong các môn thi đấu lại viết là Vietnam[32].

Danh sách liệt kê thành viên trên website Liên Hợp Quốc viết tên quốc gia này là Viet Nam trong khi các bài viết tiểu mục thì vẫn viết Vietnam. Tuy nhiên, các cách viết Viet Nam hay Việt Nam lại không tạo ra sự tồn tại của các từ Viet Namese hay Việt Namese trong tiếng Anh vì nó rời rạc. Do vậy, trang web Oxford Learner's Dictionaries của Nhà xuất bản Đại học Oxford (cũng là đơn vị biên soạn Từ điển tiếng Anh Oxford) chỉ ghi nhận cách viết Vietnam cho danh từ và Vietnamese cho tính từ,[33][34] không có ghi nhận Viet Nam và Viet Namese.[35][36] Tương tự như vậy, hầu hết các ngôn ngữ khác trên thế giới dù đang dùng chữ viết chính là chữ Latinh hay dùng các chữ viết khác có họ hàng với chữ Latinh (như chữ Cyrill, chữ Hi Lạp), tuy có thể khác chữ cái (do cấu trúc mỗi bảng chữ cái hay do âm đọc của ngôn ngữ đó) nhưng đều viết tên gọi Việt Nam ở dạng viết liền không dấu cách giống như cách viết Vietnam trong tiếng Anh[37][38][lower-alpha 2], chẳng hạn VietnamVietnamita trong một số ngôn ngữ thuộc nhóm ngôn ngữ Rôman.

Thực tế trong văn bản tiếng Anh, nếu rơi vào trường hợp phải viết tên Việt Nam ở cuối dòng mà không đủ chỗ trống (đặc biệt là trong văn phong tin học và in ấn, khi các phần mềm soạn thảo văn bản đều có chức năng tự động xuống dòng nếu từ viết cách ra ở sau không đủ chỗ trống cho cuối dòng), kiểu viết liền Vietnam lại chiếm ưu điểm vì giúp cho phần chữ "nam" không bị đẩy xuống đầu dòng sau nếu phần chữ "Viet" bị giữ lại ở cuối dòng trước (khi không đủ chỗ trống, cả cụm "Vietnam" sẽ được đẩy hẳn xuống đầu hàng dưới). Còn nếu viết Viet Nam ở cuối dòng mà không đủ chỗ trống, có thể khiến phần chữ "Nam" bị đẩy xuống đầu hàng dưới và tách xa khỏi phần chữ "Viet", gây ra sự rời rạc và mất thẩm mỹ (trường hợp nặng là nếu rơi vào phần cuối trang giấy, "Viet" có thể bị giữ ở cuối trang trước còn "Nam" bị đẩy sang đầu trang sau).